Kết quả chiến dịch Chiến_dịch_Barbarossa

Hình thế chiến trường

Sau cuộc tổng tấn công mùa Đông 1941-1942 của Quân đội Liên Xô mà đặc biệt là ba trận phản công lớn tại Moskva, Spad Demiansk (Demyansk) và Rostov, kế hoạch Barbarossa đã hoàn toàn sụp đổ, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của quân đội Đức Quốc xã bị phá sản. Mặt trận Xô-Đức tương đối ổn định trong mấy tháng. Do chưa chuyển kịp lực lượng dự bị từ Đức sang và từ các nước bị chiếm đóng ở Tây Âu đến nên trên các hướng chiến lược chủ yếu, quân Đức đã mất quyền chủ động chiến lược và phải chuyển sang phòng ngự theo Chỉ thị số 39 ngày 3 tháng 1 năm 1942 của Hitler. Mặc dù Quân đội Liên Xô đã đẩy quân Đức lùi lại các vị trí gần giống như trước khi diễn ra chiến dịch phòng ngự Moskva nhưng cũng đã sử dụng hết những lực lượng dự bị được xây dựng từ tháng 9 năm 1941 đến tháng tháng 1 năm 1942. Các nhà máy công nghiệp vừa sơ tán sang vùng Ural và Tây Siberi mới hoạt động trở lại nên chưa thể cung cấp nhiều súng đạn, xe tăng, đại bác, máy bay và các phương tiện quân sự khác cho mặt trận. Do đó, Quân đội Liên Xô cũng phải chuyển sang phòng ngự; đồng thời tiến hành một số trận phản công có quy mô vừa và nhỏ.[145]

Tranh thủ thời gian chiến sự tạm lắng xuống, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô đã khẩn trương xây dựng các đơn vị xe tăng và không quân có quy mô quân đoàn, tập đoàn quân và tổ chức thêm nhiều tập đoàn quân binh chủng hợp thành. Quy mô các đơn vị chống tăng được nâng từ cấp lữ đoàn lên cấp sư đoàn để tổ chức những trận đánh tiêu diệt xe tăng lớn. Sau ba tháng chuyển sang phòng ngự tích cực, Quân đội Liên Xô đã có quân số lên đến 5.534.500 người, 4.959 xe tăng (gồm hơn 1.500 chiếc T-34 và KV kiểu mới), 40.798 pháo và súng cối. Tám tập đoàn quân không quân được thành lập với 2.480 máy bay chiến đấu, hầu hết là máy bay kiểu mới. Việc huấn luyện chiến đấu diễn ra liên tục ở cả hậu phương và ngay sát mặt trận.[146]

Tuy Kế hoạch Barbarossa bị đổ vỡ hoàn toàn nhưng giới cầm quyền Đức Quốc xã vẫn còn nhiều tiềm năng lớn. Việc các nước đồng minh Anh, Mỹ không mở mặt trận thứ hai theo như thỏa thuận ngày 1 tháng 1 năm 1942 tại Washington đã làm cho Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã tự do điều động hơn 50 sư đoàn từ nước Đức, từ Pháp, Bỉ, Hà Lan và Đông Âu sang chiến trường Xô-Đức; chỉ để lại ở Tây Âu, Nam Âu, Bắc Phi và nước Đức không quá 20% quân số.[147][148] Đến tháng 5 năm 1942, trên mặt trận Xô-Đức kéo dài từ biển Barents đến biển Đen, Quân đội Đức Quốc xã đã khôi phục lại được ưu thế về quân số và phương tiện gồm 217 sư đoàn, 20 lữ đoàn với 6,2 triệu quân. Trong đó, 178 sư đoàn, 8 lữ đoàn và 4 tập đoàn quân không quân người Đức; 81 vạn quân thuộc các nước đồng minh của Đức. Về vũ khí, phương tiện, đạo quân khổng lồ này vẫn có 3.230 xe tăng, gần 57.000 khẩu pháo và súng cối, hơn 3.400 máy bay chiến đấu. Dựa vào ưu thế về quân số, pháo và máy bay, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã vạch kế hoạch mới để tiếp tục tấn công Liên Xô với mật danh Kế hoạch Xanh, sử dụng 102 sư đoàn tấn công trên vùng thảo nguyên miền Nam Liên Xô, bổ đôi mặt trận Xô Đức, cắt đứt và đánh chiếm các mỏ dầu ở Baku, đánh chiếm vựa lúa mỳ ở hạ lưu sông Volga và vùng Kuban. Đây là nỗ lực chiến lược quân sự cuối cùng của nước Đức Quốc xã với mục tiêu làm cho Nhà nước Liên Xô vừa thất bại về quân sự, vừa suy yếu nghiêm trọng về tiềm lực kinh tế, tiến tới tiêu diệt Liên Xô.[149][150]

Đánh giá

Với ưu thế về binh lực và tạo được bất ngờ về chiến dịch, chiến thuật, quân đội Đức Quốc xã đã gây ra cho quân đội Liên Xô những thiệt hại ban đầu hết sức to lớn. Hàng chục vạn quân nhân Liên Xô tử trận hoặc bị bắt làm tù binh.[151] Riêng trong ba ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh, các quân khu biên giới đã mất gần 1.200 máy bay, trong đó có 900 chiếc bị không quân Đức ném bom phá hủy trên các sân bay, 300 chiếc khác bị bắn rơi trong các trận không chiến; không quân Liên Xô chỉ bắn rơi hơn 200 chiếc máy bay Đức trong tuần đầu của cuộc chiến.[152]

Mặc dù thu được những chiến thắng ban đầu vô cùng to lớn tại mặt trận phía đông, nhưng trong cuộc chiến một mất một còn với Liên Xô, quân đội Đức Quốc xã đã gặp phải một đối thủ kiên cường. Qua cơn choáng váng ban đầu Quân đội Liên Xô kháng cự ngày càng có tổ chức và ý chí ngày càng tăng. Ngay từ những ngày đầu của chiến dịch tại Pháo đài Brest cho đến các trận đánh ở sâu trong nội địa Liên Xô, các đơn vị Liên Xô thường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, không nao núng khi chiến đấu trong vòng vây và liên tục phản kích, làm suy giảm đáng kể sức tiến công vũ bão của quân đội Đức.[153] Mặc dù bị tổn thất lớn về quân số và phương tiện nhưng Nhà nước và người dân Liên Xô đã thành công trong việc động viên toàn diện để thành lập các đơn vị mới và đưa vào cuộc chiến. Các nỗ lực phòng ngự kiên cường của Quân đội Liên Xô tại Odessa, Sevastopol, Leningrad và đặc biệt tại Kiev đã giam chân một bộ phận rất lớn quân đội Đức. Nhờ đó Liên Xô đã tranh thủ được thời gian, đưa lên phía trước những lực lượng dự bị mới để phản kích ngày một mạnh hơn;[154] và cuối cùng đã tổ chức thành công Chiến dịch phòng thủ-phản công tại Moskva. Chiến tranh du kích ("chiến tranh đường ray") sau lưng quân chiếm đóng cũng được phát động để phá hoại hậu cần, tiếp tế ngay tại hậu tuyến của quân đội Đức. Những nỗ lực đó tuy đã phải trả giá bằng các tổn thất vô cùng to lớn nhưng chặn được đà tấn công, góp phần làm phá sản cuộc chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh của Đức. Trong ba mục tiêu lớn cuối cùng của Kế hoạch Barbarossa, nước Đức Quốc xã chỉ đạt được một mục tiêu: đánh chiếm Kiev. Mục tiêu lớn nhất là chiếm Moskva và tiêu diệt Nhà nước Liên Xô hoàn toàn không thực hiện được. Tại cánh Bắc, quân Đức cũng phải dừng bước trước cửa ngõ Leningrad. Thế cân bằng chiến lược Xô-Đức đã được tạo lập, dù chỉ tồn tại trong 4 tháng.[155]

Về Đức Quốc xã

Theo nhận định của tướng Zhukov thì ngoài những ưu thế về quân số, vũ khí, phương tiện chiến tranh thì những thắng lợi ban đầu hết sức to lớn của quân đội Đức trên lãnh thổ Liên Xô trước hết là do sức chiến đấu của binh lính và sĩ quan Đức ở tất cả các quân binh chủng do được huấn luyện chuyên môn tốt và trui rèn qua trận mạc đều đạt trình độ tác chiến cao, đặc biệt là thiết giáp và không quân. Binh lính Đức trên chiến trường thực sự chuyên nghiệp, thành thạo nghiệp vụ, kiên trì, tự tin và có kỷ luật. Các cơ quan tham mưu các cấp của Quân đội Đức đều được huấn luyện tốt về phương pháp tổ chức chiến đấu từ các trận đánh nhỏ đến các chiến dịch lớn theo phương thức chiến tranh hiện đại. Quân đội Đức đã hiện đại hóa các phương tiện thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện, trang bị đầy đủ cho các cơ quan chỉ huy, tham mưu các cấp nên đã tổ chức chiến đấu hiệp đồng tốt giữa xe tăng và bộ binh, giữa không quân và lục quân. Cơ quan chỉ huy cấp chiến lược của quân đội Đức Quốc xã cũng làm việc rất khoa học và bài bản. Việc vạch kế hoạch tổ chức các đòn tấn công phủ đầu trên các hướng chiến lược đều được làm rất tỷ mỷ, chi tiết. Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Đức Quốc xã cũng chọn được những tư lệnh binh chủng, tư lệnh tập đoàn quân dày dạn kinh nghiệm tổ chức chiến đấu. Trong nhiều trường hợp, họ đã xác định đúng phương hướng tấn công, thành phần các quân binh chủng tham gia, nắm được những địa đoạn mỏng yếu trong các tuyến phòng ngự của đối phương để giáng đòn đột kích mạnh vào đó.[156] Ngoài ra, uy tín chính trị của Hitler cũng góp phần nâng cao tinh thần chiến đấu cho các quân nhân Đức Quốc xã. Hầu hết sĩ quan và binh sĩ (trừ một số nhỏ thống chế, tướng lĩnh có cách nhìn tỉnh táo hơn) đều tin rằng mình là dân tộc thượng đẳng, đều cho rằng có thể dễ dàng đánh bại Liên Xô một cách nhanh chóng như những lời tuyên bố, hứa hẹn của Hitler và Goebbels.

Cũng theo nhận định của tướng Zhukov thì đối lập với những điểm mạnh nói trên, giới cầm quyền Đức Quốc xã lại mắc phải chính những sai lầm chiến lược chính trị-quân sự do thiển cận và chủ quan khinh thường đối phương. Cho dù huy động một lực lượng quân sự lớn nhất trong khả năng của chính họ và các nước đồng minh, quân đội Đức Quốc xã vẫn không thể đủ lực lượng để đồng thời tấn công chiến lược trên ba hướng chủ yếu. Càng vào sâu trong nội địa Liên Xô, tuyến mặt trận ngày càng mở rộng, mật độ binh lực và phương tiện ngày càng mỏng đi. Vấp phải sức chống cự ngày càng tăng lên của quân đội Liên Xô, mật độ binh lực và phương tiện này ngày càng mỏng yếu hơn nữa khiến cho đến cuối chiến dịch, khả năng đột kích của các binh đoàn xe tăng, sức mạnh chính của quân đội Đức Quốc xã gần như bị triệt tiêu. Không phải các thống chế Đức không nhận ra điều này và họ đã chọn Moskva để "đánh canh bạc cuối cùng". Mặc dù đã đổ vào đây đến 34% quân số và 68% xe tăng của toàn bộ mặt trận Xô-Đức nhưng quân đội Đức vẫn không đủ lực lượng để hoàn thành đến cùng chiến dịch "Typhoon" và buộc phải rút lui sau những thiệt hại nặng nề do chiến thuật chống tăng tổng hợp của Quân đội Liên Xô.[157]

Theo Stemenko thì một sai lầm quan trọng khác của Quân đội Đức là tính cứng nhắc trong điều hành tác chiến. Khi mọi cuộc tấn công diễn ra suôn sẻ, quân đội Đức hành động rất bài bản với tính kế hoạch có độ chính xác rất cao và điều đó đem lại sức mạnh cho họ. Tuy nhiên, đến khi tình hình chiến trường có những đột biến, cục thế xoay chuyển ngoài những dự kiến thì Bộ Tổng tư lệnh và các tướng lĩnh Đức lại trở thành "tù binh" của chính họ với thói quen khuôn mẫu, bị trói buộc vào những lý thuyết quân sự vốn có trong khi tình hình đòi hỏi phải có những thay đổi linh hoạt. Heinz Guderian là một trong số hiếm hoi các tướng lĩnh Đức Quốc xã có tư duy mềm dẻo, linh hoạt nhưng lại bị Hitler ghét bỏ vì "bất tuân thượng lệnh", tự ý chuyển sang phòng ngự và lui quân. Kết quả là khi bị mất quyền chủ động chiến lược, nhiều tướng lĩnh Đức chậm hoặc không thích nghi với các điều kiện mới, ít chịu cải tổ bộ máy cũng như chậm tìm ra giải pháp khắc phục các khó khăn khi kế hoạch đã định ra có những mâu thuẫn lớn với các tình huống thực tế.[158]

Một trong các điểm yếu nữa về chiến thuật quân sự của Quân đội Đức khiến họ không thể áp dụng đầy đủ học thuyết đánh nhanh thắng nhanh tại chiến trường Xô-Đức mặc dù trước đó, học thuyết này đã được kiểm nghiệm và được đánh giá là đạt hiệu quả cao tại các chiến trường Tây Âu và Đông Âu năm 1940-1941. Đó là việc bao vây các đơn vị quân đội Liên Xô tại các lòng chảo lớn không khỏi tạo nên một thế trận kéo dài của các binh đoàn xe tăng. Các binh đoàn cơ động này không chỉ phải chiến đấu chống lại đối phương phản kích tại vòng vây bên trong mà còn phải chống lại cả những đòn tấn công giải vây từ bên ngoài. Buộc phải tác chiến trên cả hai mặt trận, sức cơ động đột kích của các đơn vị xe tăng Đức suy giảm đáng kể. Chính Hitler cũng cho rằng chiến thuật này đòi hỏi quá nhiều binh lực nhưng kết quả đạt được lại khá hạn chế.[159]

Về Liên Xô

Đối với Liên Xô, sai lầm lớn nhất là việc dự báo thời điểm quân đội Đức phát động chiến tranh và để cho quân đội và nhân dân của mình hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc tấn công tổng lực của Quân đội Đức Quốc xã ngày 22 tháng 6. Ban lãnh đạo Liên Xô cùng với người đứng đầu nhà nước Liên Xô là Stalin đã cho rằng nước Đức phải cần thêm một thời gian chuẩn bị. Mặc dù nhiều biện pháp ngoại giao đã được áp dụng, kể cả các biện pháp "nín nhịn" tránh khiêu khích với Đức, tìm cách ký hiệp ước liên minh quân sự với Anh và Pháp cũng đã được thi hành; thậm chí những người đề nghị những biện pháp đặt quân đội vào tình trạng báo động cao còn bị coi là "gieo rắc hoang mang" nhưng chiến tranh vẫn diễn ra sớm hơn dự định.[139][160] Hơn nữa, Stalin cũng đánh giá quá cao khả năng dùng biện pháp ngoại giao để đẩy lùi thời điểm xảy ra chiến tranh. Đến khi cuộc chiến thực sự sắp nổ ra, với cương vị là người đứng đầu Nhà nước, ông cũng không có được một quyết định quan trọng làm cho đất nước thích ứng ngay với tình trạng chiến tranh, đã chậm trễ trong việc đặt quân đội vào tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ngay cả những nhà chính trị và quân sự Liên Xô cũng coi đây là một trong những khuyết điểm hết sức nghiêm trọng về chính trị của ông.[161] Góp phần vào các sai lầm ấy là báo cáo kết luận không rõ ràng, thiếu quyết đoán và thậm chí là "xuôi chiều" theo ý Stalin của ngành tình báo quân sự do tướng F. I. Golikov đứng đầu. Mặc dù nắm trong tay nhiều tin tức xác định thời điểm quân Đức sẽ tấn công là trung tuần tháng 6 năm 1941 nhưng trong Báo cáo ngày 14 tháng 5, F. I. Golikov vẫn cho rằng: "thời gian Đức bắt đầu hành động chống Liên Xô có khả năng chính xác nhất là sau khi đánh bại Anh hoặc ký với Anh một hòa ước có lợi" và "tin đồn và những về cuộc chiến chống Liên Xô sẽ xảy ra cần được coi như tin đánh lừa do các cơ quan tình báo Anh và thậm chí cả Đức tung ra".[83]

Áp phích Liên Xô: "Cái chết của quân xâm lược Đức", tác giả: N.Dolgorukov, B. Yefimov năm 1942.

Sai lầm chiến lược thứ hai là việc bố trí quân đội trên toàn tuyến phòng ngự bị lệch về phía Nam. Do Stalin cho rằng Quân đội Đức trước hết phải chiếm lấy miền Ukraina trù phú rồi mới có thể tiến đánh vào trung tâm Liên Xô nên đã lệnh cho Bộ Tổng tham mưu bố trí tại đây 45 sư đoàn bộ binh, 20 sư đoàn xe tăng, 10 sư đoàn cơ giới, 5 sư đoàn kỵ binh, chiếm khoảng 1/2 số tổng binh lực của Liên Xô tại tuyến 1 và tuyến 2 vùng biên giới phía Tây. Tại quân khu đặc biệt miền Tây và quân khu Pribaltic chỉ bố trí 49 sư đoàn bộ binh, 16 sư đoàn xe tăng, 8 sư đoàn cơ giới. Hai quân khu phải hứng chịu những đòn đột kích rất mạnh của 79 sư đoàn Đức (trong đó có 24 sư đoàn xe tăng). Do thua kém về binh lực và phương tiện, thua kém về chất lượng khí tài và thế bố trí, hai phương diện quân miền Tây và Tây Bắc đã bị vỡ trận một cách nhanh chóng. Do bị chia cắt bởi khu đầm lầy Pripiat ở phía Nam Belarus, việc điều động binh lực của phương diện quân Tây Nam để tăng viện cho Phương diện quân Tây không thể thực hiện nhanh chóng. Tới khi tập đoàn quân 16 của tướng M. F. Lukin và hai quân đoàn cơ giới 9 và 22 rút từ Phương diện quân Tây Nam đến được với phương diện quân Tây thì chiến sự đã ở trước cửa ngõ Smolensk. Theo đại tướng Zhukov, đây là một trong số những nguyên nhân làm cho Liên Xô thất bại trong thời kỳ đầu của cuộc chiến.[162]

Sai lầm chiến lược thứ ba của Liên Xô là việc chậm rút các lực lượng chủ yếu của các phương diện quân Tây và Tây Nam ra khỏi các gọng kìm xe tăng của quân đội Đức. Trong các trận đánh từ phía Tây Minsk hồi tháng 6 đến các trận đánh trên tả ngạn sông Berezina hồi tháng 7, Phương diện quân Tây đã hai lần bị hợp vây và cả hai lần đều bị tổn thất rất nặng nề. Cộng vào sai lầm đó là sai lầm lớn cũng thuộc về Stalin khi vào đầu tháng 9 năm 1941, ông không cho phép rút các lực lượng cơ bản của Phương diện quân Tây Nam về tả ngạn sông Dnepr. Ông cũng không đủ can đảm để bỏ Kiev mặc dù đã được Bộ Tổng tham mưu xác định Phương diện quân Tây Nam có nguy cơ bị hợp vây bởi hai cánh quân Đức từ Konotop đánh xuống, từ Kremenchuk đánh lên và khuyến nghị ông nên cho rút quân. Thậm chí, ngay cả khi tham mưu trưởng Phương diện quân Tây Nam, thiếu tướng V. I. Tupikov gửi báo cáo số 15614 ngày 17 tháng 9 đề nghị rút quân ngay với dự báo: "Chỉ vài ngày nữa thôi, sẽ bắt đầu cái tai họa mà đồng chí đã hiểu" thì Stalin lại cho rằng đó là một báo cáo hoảng loạn và yêu cầu Phương diện quân phải thực hiện đến cùng nghĩa vụ của mình. Kết quả là 5 tập đoàn quân Liên Xô đã bị bao vây, tiêu diệt hoặc bị bắt và chỉ có không quá 1/4 quân số thoát vây.[163]

Một sai lầm nữa cũng có tính chiến lược quân sự là sai lầm của Bộ Tổng tư lệnh tối cao cùng nguyên soái S. M. Budionny và trung tướng I. S. Koniev trong giai đoạn đầu của cuộc phòng thủ Moskva. Việc bố trí hai phương diện quân gần như nhập làm một trên tuyến phòng thủ phía Tây Moskva đã gây ra những rối loạn trong điều hành tác chiến, chỉ huy cấp trên không nắm được các đơn vị cấp dưới khi lâm trận. Đến khi quân Đức mở cuộc tấn công, các đơn vị này bị dồn vào khu vực Rzhev - Vyazma và nhanh chóng bị vây. Cơ quan quân báo của hai Phương diện quân này cũng không xác định được hướng tấn công chính của quân đội Đức để điều động binh lực và phương tiện đến đẩy lui đối phương, bịt các cửa đột phá do xe tăng Đức tạo ra.[164] Sai lầm này chỉ được sửa chữa khi Zhukov từ Leningrad quay về nắm lại Phương diện quân Tây hợp nhất và trở thành tư lệnh phòng thủ Moskva trên thực tế.

Thất bại của Liên Xô trong giai đoạn đầu của chiến dịch còn có những nguyên nhân về tổ chức và con người. Việc đề bạt một loạt sĩ quan trẻ chưa qua trận mạc lên giữ các chức vụ cao đã làm giảm sức chiến đấu của quân đội, trước hết là do kinh nghiệm chỉ huy tác chiến còn quá mỏng. Ngay trước chiến tranh, khi tiến hành các biện pháp tổ chức lại quân đội, Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô đã phát hiện thấy sự thiếu hụt trầm trọng các cán bộ chỉ huy giỏi, có nhiều kinh nghiệm và đội ngũ chuyên gia tham mưu tác chiến binh chủng hợp thành. Ở các đơn vị, đội ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan xe tăng, pháo binh, phi công và nhân viên kỹ thuật hàng không có tay nghề cao, chuyên môn giỏi cũng có số lượng rất ít. Trong khi chiến tranh đã cận kề thì người ta lại dự tính đến cuối năm 1941 mới khắc phục hết những thiếu sót này.[165]

Cố gắng lớn nhất của Liên Xô vào giai đoạn cuối cùng của chiến dịch là đã chặn được đà tiến công của các cánh quân xe tăng Đức trước cửa ngõ Moskva bằng những lực lượng dự bị đủ mạnh và chiến thuật hợp lý. Các chỉ huy Quân đội Liên Xô đã biết rút quân đúng thời điểm trước các mũi đột kích bằng cơ giới của quân Đức để rồi dùng chính những lực lượng này tập kích vào hai bên sườn những đạo quân cơ giới của đối phương. Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô không chỉ xây dựng kịp thời các tập đoàn quân dự bị mà còn biết giữ gìn các đơn vị này. Họ không còn đưa những đơn vị lẻ tẻ ra mặt trận mà tập trung lực lượng và phương tiện thành những khối quân cơ động đột kích mạnh, đánh thẳng vào những đoạn tiếp giáp hiểm yếu giữa các đơn vị Đức Quốc xã. Chiến thuật cơ bản này về sau được phổ biến và trở thành giáo khoa kinh điển của Quân đội Liên Xô và nhiều nước khác. Một chiến thuật khác cũng được sáng tạo và áp dụng là "chiến thuật chống tăng tổng hợp". Không giống như giai đoạn đầu chiến dịch, các đơn vị xe tăng Liên Xô trong phòng thủ đã tránh những trận đấu tăng khi yếu thế và chọn cách đánh phối hợp chặt chẽ với pháo chống tăng, các tổ xung kích cảm tử diệt tăng và các bãi mìn được bố trí có trọng điểm. Do đó, các tập đoàn quân xe tăng Đức bị thiệt hại rất nặng trước các trận địa này. Phá huỷ thật nhiều xe tăng, xe bọc thép cũng có nghĩa là bẻ gãy mũi nhọn đột kích của các binh đoàn cơ giới Đức và cũng có nghĩa là đánh quỵ "xương sống" của chủ lực lục quân Đức.[166]

Thành công của Liên Xô vào giai đoạn cuối của chiến dịch đã tạm thời tước được quyền chủ động chiến lược từ tay quân đội Đức Quốc xã. Mặc dù giữ việc Moskva có tầm quan trọng chiến lược, mất Moskva sẽ cực kỳ thất lợi và tai hại về chính trị - quân sự cho họ; mặc dù quyết tâm giữ Moskva của Zhukov cũng như quân đội Liên Xô rất cao nhưng Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô vẫn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất một cách tuyệt đối bí mật. Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô đã hiểu được ý tưởng của Cố nguyên soái M. I. Kutuzov hồi năm 1812. Khi đó, Kutuzov đã đặt câu hỏi với Hoàng đế NgaAleksandr I về việc "nên đánh một trận cuối cùng rồi để mất cả quân đội lẫn Moskva hay giữ lấy quân đội để chiếm lại Moskva". Và Aleksandr I đã nghe theo vị nguyên soái già: giữ lấy quân đội.[167] Cùng với việc kịp thời tổ chức lại các tập đoàn quân 5, 16, 43, 49 với phần đông quân số lấy từ lực lượng dự bị động viên; Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã bố trí một thê đội chiến lược lớn phía Đông Moskva trên tuyến Vytegra - Rybinsk - Gorky - Saratov - Stalingrad - Astrakhan theo Nghị quyết ngày 5 tháng 10 của Hội đồng Quốc phòng Nhà nước. Tại tuyến này đã thành lập cấp tốc 10 tập đoàn quân dự bị. Hầu như cả Liên Xô đã tập trung chăm lo cho quân đội của mình để chặn đứng quân đội Đức Quốc xã tại bất kỳ nơi nào có thể chặn được.[168] Trong thời gian Moskva bị uy hiếp nghiêm trọng; để đảm bảo công tác chỉ huy trong tình huống xấu nhất, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô cũng được chia làm hai, một phần sơ tán về Saratov (căn cứ chỉ huy chiến lược dự bị). Nhóm tiền phương gồm 10 người ở lại Moskva. Hội đồng Quốc phòng Nhà nước Liên Xô cũng cho sơ tán một phần các cơ quan Đảng, Chính phủ; các đoàn ngoại giao, các cơ sở công nghiệp quốc phòng lớn, các cơ quan văn hoá, khoa học khỏi Thủ đô về phía Đông. Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất đã không xảy ra. Đến tháng 2 năm 1942, khi quân Đức bại trận trước cửa ngõ Moskva và phải rút lui; các cơ quan đã sơ tán lại lần lượt trở lại Moskva.[169][170]

Ảnh hưởng quốc tế sau chiến dịch

Chiến thắng của Quân đội Liên Xô làm phá sản Kế hoạch Barbarossa có ảnh hưởng lớn đến mức làm rung động ngay cả những tướng lĩnh lão luyện của quân đội Đức Quốc xã và về sau này, nhiều người vẫn còn nhắc đến nó như một bài học sâu sắc. Được hỏi tại Tòa án Quốc tế Nuremberg rằng khi nào thì người Đức nhận ra sự thất bại của Kế hoạch Barbarossa, cựu Thống chế Wilhelm Keitel, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức Quốc xã trả lời ngay bằng một từ ngắn gọn: "Moskva". Tướng Tippelskirch đã phải thừa nhận: "Kết quả và quy mô chiến dịch phản công của Hồng quân lớn tới mức khiến chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, và điều đó gần như là một thảm họa đối với nước Đức".[171]

Những thất bại ở Moskva, ở Tikhvin, ở Rostov làm cho Adolf Hitler nổi điên. Ngày 30 tháng 11, ông ta chỉ thị cho Thống chế Gerd von Rundstedt phải ra lệnh cấm Tập đoàn quân xe tăng 1 rút lui. Một tuần sau, khi nhận được câu trả lời là không thể thực hiện lệnh đó, Hitler lập tức bay đến Sở chỉ huy Cụm tập đoàn quân Nam ở Poltava (Ukraina). Tại đây, những lời buộc tội của Hitler đối với Rundstedt về thất bại của quân Đức tại Rostov đã bị viên thống chế lão luyện này phản bác. Rundstedt cho rằng người ra lệnh thực hiện chiến dịch này phải chịu trách nhiệm về thất bại của nó. Nói cách khác, đó chính là Führer. Hitler nhảy bổ vào Rundstedt và giật chiếc huân chương chữ thập hiệp sĩ của viên thống chế ra khỏi cổ áo. Ngày 11 tháng 2, Hitler ký lệnh phế truất chức vụ Tổng tư lệnh lục quân Đức của thống chế Walther von Brauchitsch đồng thời tự phong cho mình chức vụ này. Ngoài ra, tư lệnh cụm Tập đoàn quân Trung tâm, thống chế Fedor von Bock; tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 2, tướng Heinz Wilhelm Guderian; tư lệnh tập đoàn quân 17, tướng Carl-Heinrich von Stülpnagel cùng hàng chục tướng khác cũng bị Führer cách chức. Thống chế Günther von Kluge được chỉ định thay thống chế Fedor von Bock làm tư lệnh cụm Tập đoàn quân Trung tâm.[172][173]

Sự kiện Quân đội Liên Xô đánh bại Quân đội Đức Quốc xã trước cửa ngõ Moskva, đánh dấu chấm hết cho Kế hoạch Barbarossa đã làm cho tình hình quốc tế có những thay đổi lớn. Không chờ đến khi Quân đội Đức bị đánh đuổi về phía Tây thêm hàng trăm km nữa; ngày 1 tháng 1 năm 1942, tuyên bố của 26 nước Liên minh chống phát xít đã được ký kết tại Washington. Sự hình thành liên minh này của các dân tộc có ý nghĩa toàn cầu rất to lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những quốc gia có chế độ chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau đã liên minh với nhau nhằm một nhiệm vụ có tính thời đại lớn lao là cứu loài người khỏi hiểm họa phát xít.[174] Đối với Nhật Bản, sự thất bại của Chiến dịch Barbarossa đã khẳng định những tin tức mà điệp viên Liên Xô Richard Sorge báo về Moskva là chính xác. Nhật Bản không bao giờ đặt lại vấn đề tấn công vùng Siberi của Liên Xô nữa. Nguy cơ Liên Xô phải tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận đã bị đẩy lùi.

Sự thất bại của Kế hoạch Barbarossa trên chiến trường đã củng cố niềm tin đối với hai đồng minh lớn của Liên Xô là Anh và Mỹ. Thủ tướng Anh Winston Churchill thừa nhận: "Sự nghiệp của người Nga đang chiến đấu bảo vệ tổ quốc của họ cũng là sự nghiệp của những con người tự do và những dân tộc tự do trên toàn thế giới".[175] Sau trận Moskva, nhân loại tiến bộ hiểu rằng, việc đánh bại nước Đức phát xít không phải là không có khả năng thực tế.[176]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Barbarossa http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.ruslib.com/MEMUARY/GERM/shirer1.txt_Pie... http://www.english.uiuc.edu/maps/ww2/barbarossa.ht... http://www.foia.cia.gov/CPE/CAESAR/caesar-25.pdf http://klio.ilad.lv/11_1_.php http://www.army.mil/cmh-pg/books/wwii/balkan/20_26... http://www.army.mil/cmh-pg/books/wwii/balkan/appen... http://www.ushmm.org/wlc/article.php?lang=en&Modul... http://www.jourclub.ru/12/202 http://www.krunch.ru/blog/history/29.html